Điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020
Điều chỉnh quy hoạch các KCN đến năm 2020, Bình Dương tập trung phát triển các KCN về phía bắc của tỉnh
Kỳ 1: Sự điều chỉnh cần thiết
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Việc điều chỉnh này là rất cần thiết, hội đủ các điều kiện thuận lợi để làm tiền đề thực hiện từng bước cơ bản để đưa Bình Dương trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.
Phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Bình Dương là một trong những địa phương có khả năng thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những năm qua, tỉnh nhà đã nhận thức được những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) để chuẩn bị các nguồn lực, điều kiện đón đầu làn sóng đầu tư khi TPP có hiệu lực. Và một trong những bước chuẩn bị đó là thông qua việc hình thành và phát triển các KCN để tạo hệ thống hạ tầng thông thoáng, hiện đại, quỹ đất “sạch” phục vụ thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, định hướng phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là thu hút các ngành nghề sản xuất thâm dụng vốn, kỹ thuật cao như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp với hàm lượng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao; hạn chế phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, tài nguyên... |
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa KCN Mai Trung với diện tích 51 ha ra khỏi Quy hoạch phát triển các KCN cả nước đến năm 2020; đồng thời bổ sung mới các KCN gồm Bình Dương Riverside ISC với diện tích 600 ha, Tân Lập I với diện tích 200 ha, Việt Nam - Singapore III (VSIP III) với diện tích 1.000 ha và Vĩnh Lập với diện tích 500 ha vào Quy hoạch phát triển các KCN cả nước đến năm 2020. Trong đó, KCN Bình Dương Riverside ISC được định hướng là KCN đa ngành, với các loại hình công nghiệp như điện máy, điện công nghiệp, công nghiệp điện tử, chất bán dẫn, công nghệ tin học, công nghệ kỹ thuật cao, chế tạo máy, cơ khí… Đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển các khu đô thị mới trong tổng thể quy hoạch chung đô thị Bến Cát.
Bên cạnh đó, việc đầu tư KCN VSIP III nhằm khai thác hết lợi thế quỹ đất sau khi đầu tư hai tuyến đường Vành đai 4, 5 và tạo quỹ đất thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Từ đó góp phần phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng khu vực huyện Bắc Tân Uyên; mặt khác kết nối với các KCN VSIP II, Mỹ Phước 1, 2 và 3 thành lập chuỗi phát triển công nghiệp, đô thị hiện đại dọc tuyến đường Vành đai 4. Đối với KCN Tân Lập I, dự kiến sau khi được thành lập, đây sẽ là KCN chuyên ngành sản xuất và chế biến gỗ, nguyên phụ liệu ngành gỗ đầu tiên của tỉnh, góp phần tạo điều kiện đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Tân Uyên gắn với phát triển đô thị và xây dựng cơ sở hạ tầng…
Theo quy hoạch, đến năm 2020 Bình Dương sẽ có 33 KCN tập trung, tổng diện tích khoảng 15.730,18 ha. Tỉnh nhà cũng khuyến khích và có lộ trình chuyển đổi dần cơ cấu đất công nghiệp ở các KCN trên địa bàn 2 thị xã Thuận An và Dĩ An sang đất thương mại, dịch vụ một cách hợp lý, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trong từng giai đoạn; đồng thời phát triển các KCN tập trung về phía bắc của tỉnh, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ ngoài KCN bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, thương mại, vận tải hàng hóa cho các doanh nghiệp.
Khai thác tiềm năng phía bắc của tỉnh
Trong thời gian qua, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất “sạch” để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động… của tỉnh nhà. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn có một số vấn đề bất cập, chậm được khắc phục như: Các KCN chủ yếu tập trung khu vực phía nam của tỉnh đã gây áp lực cho hệ thống đô thị và hạ tầng văn hóa - xã hội; nằm đan xen trong các khu đô thị, khu dân cư; chưa bảo đảm khoảng cách; công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế...
Nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, tỉnh Bình Dương đang định hướng chuyển dịch phát triển các KCN lên phía bắc của tỉnh, đồng thời từng bước chuyển đổi công năng các KCN ở phía nam của tỉnh để tạo quỹ đất phát triển đô thị. Việc điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN là tiền đề quan trọng quyết định việc hình thành và phát triển hệ thống các KCN hiện đại cho tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung trong tương lai.
Có thể nói, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN tỉnh Bình Dương phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đến năm 2020, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh và là cơ sở quan trọng để lập điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020 của Bình Dương. Bên cạnh đó, bổ sung quy hoạch phát triển KCN của tỉnh nhằm khai thác lợi thế về quỹ đất sau khi tỉnh đầu tư các tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5 (theo trục Đông - Tây), Mỹ Phước - Tân Vạn, Quốc lộ 13 (theo trục Bắc - Nam)... Mặt khác, các nhà đầu tư hạ tầng KCN sẽ kết hợp đầu tư một phần các tuyến đường như trên theo đúng quy hoạch của tỉnh gắn với những điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; triển khai đồng bộ và kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển khu công nghiệp với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội phục vụ công nhân làm việc trong các KCN. Đặc biệt, việc quy hoạch mở rộng, bổ sung mới các KCN giai đoạn 2016-2020 chủ yếu ở khu vực phía bắc của tỉnh, nơi có quỹ đất nông nghiệp còn lớn (chủ yếu là cây lâu năm năng suất thấp), địa hình bằng phẳng rất phù hợp với việc phát triển sản xuất công nghiệp...
Xuất phát từ những điều kiện trên, cho thấy việc điều chỉnh quy hoạch các KCN của tỉnh đến năm 2020 là rất cần thiết, hội đủ các điều kiện thuận lợi để làm tiền đề, thực hiện từng bước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020 theo định hướng của Chính phủ.
Theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ điều chỉnh giảm diện tích các KCN Tân Đông Hiệp B từ 163 ha xuống 150 ha, Sóng Thần III từ 534 ha xuống 427 ha, Đại Đăng từ 274 ha xuống 219 ha, Phú Tân từ 133 ha xuống 107 ha và Kim Huy từ 214 ha xuống 172 ha. Đồng thời, điều chỉnh tăng diện tích các KCN Lai Hưng từ 400 ha lên 600 ha, Cây Trường từ 300 ha lên 700 ha và mở rộng thêm diện tích các KCN Nam Tân Uyên từ 620 ha lên 966 ha, Rạch Bắp từ 279 ha lên 639 ha và Việt Hương 2 từ 250 ha lên 262 ha...
Kỳ 2: Các địa phương phía bắc của tỉnh đón đầu cơ hội
Hiện nay, các địa phương phía bắc của tỉnh như Bến Cát, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng… đang nỗ lực vươn lên, đón đầu cơ hội công nghiệp hóa, đô thị hóa, góp tiếng nói quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh nhà.
Vượt khó làm công nghiệp
Bình Dương bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa từ cách đây hơn 20 năm. Lãnh đạo tỉnh khi đó đã quyết định chọn một dải đất rộng đầy tiềm năng ở phía bắc quốc lộ 1A để phát triển khu công nghiệp (KCN). Sau đó, lần lượt các KCN Sóng Thần 2, Tân Đông Hiệp A & B, Việt Hương…, mà đặc biệt là các KCN VSIP ra đời ở các địa phương phía nam của tỉnh đã góp phần làm nên một diện mạo đầy sinh động cho công nghiệp - đô thị và dịch vụ của Bình Dương.
Trong lúc các địa phương phía nam của tỉnh như Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An nhộn nhịp những dự án đầu tư công nghiệp - đô thị lớn thì những địa phương phía bắc của tỉnh như Bến Cát, Bàu Bàng, Tân Uyên… vẫn còn in đậm dấu ấn nông nghiệp với những đồng cỏ hoang trải dài. Vậy nhưng, trong những năm gần đây, với sự định hướng, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cùng sự đồng thuận của nhân dân, các địa phương phía bắc đã nỗ lực phát triển khu, cụm công nghiệp (CCN) để đón đầu cơ hội, mời gọi nhà đầu tư.
Sau thành công của các KCN phía nam của tỉnh, Bình Dương chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc, một mặt để tạo lực thúc đẩy phát triển kinh tế các huyện thuần nông, mặt khác chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Thực hiện chủ trương này, chỉ trong thời gian ngắn, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) đã xây dựng xong hạ tầng các KCN Mỹ Phước tại huyện Bến Cát (nay là TX.Bến Cát). Nhờ có sự định hướng, chỉ đạo nhất quán từ sớm của lãnh đạo tỉnh, các KCN phía bắc của tỉnh thời gian qua liên tục nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư.
Cụ thể, hơn 12 năm đi vào hoạt động, các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 và 4 đã thu hút hơn 400 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn đều tập trung vào đây như: Tập đoàn Kumho Asiana, chuyên sản xuất vỏ xe ô tô đầu tư 360 triệu USD; Công ty Giấy Graft Vina đầu tư 180 triệu USD; Tập đoàn Maruzen Foods Corporation đầu tư 104 triệu USD; Công ty Colgate - Palmolive Việt Nam đầu tư 41 triệu USD; Công ty TNHH Tomoku Việt Nam đầu tư gần 50 triệu USD…
Sự thành công của các KCN Mỹ Phước là tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương quyết tâm phát triển công nghiệp ở các địa phương phía bắc. Trong thời gian qua, sự có mặt của các KCN Singapore Ascendas Protrade, Việt Hương 2, Bàu Bàng, Tân Bình, các CCN Tân Mỹ, Tam Lập, Thanh Tuyền… ở những địa phương phía bắc của tỉnh đã tạo quỹ đất sạch lớn với hạ tầng bài bản, đồng bộ sẵn sàng đón nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới tìm về Bình Dương làm ăn.
Rộng đường phát triển
Qua dòng chảy thời gian, thương hiệu công nghiệp Bình Dương ngày càng vươn xa, trở thành điểm đến đầy hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Chính điều này, cộng với các nguồn lực lớn khác về hạ tầng, chính sách… khiến cho các KCN, CCN phía bắc của tỉnh ngày càng phát huy lợi thế. Điều này được thể hiện qua dòng chảy FDI đổ về đây rất lớn trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2015.
Trong năm qua, UBND tỉnh đã tiến hành 3 đợt trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp FDI, trong đó có nhiều dự án đầu tư vào các KCN phía bắc của tỉnh. Điển hình như Công ty TNHH Giấy Kraff Vina (liên doanh Thái Lan - Nhật Bản, sản xuất giấy bao bì) hoạt động tại KCN Mỹ Phước 2 đã quyết định tăng vốn thêm 130 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư của công ty tại Bình Dương lên hơn 453 triệu USD. Hay như dự án đầu tư vào CCN Thanh An (huyện Dầu Tiếng) của Công ty Trung Thiên trị giá 50 triệu USD để sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu...
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, đến nay KCN Singapore Ascendas Protrade (TX.Bến Cát) đã thu hút một dự án đầu tư trong nước với số vốn 46 tỷ đồng và 22 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực điện tử, công nghiệp phụ trợ với số vốn 118 triệu USD. Với lợi thế to lớn của mình, KCN Singapore Ascendas Protrade đã nhận được sự tin tưởng đầu tư của Tập đoàn Chenglong (Đài Loan, Trung Quốc). Tập đoàn đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất giấy trị giá 1 tỷ USD tại KCN này. Đây là dự án FDI thứ 2 của tỉnh đạt mốc 1 tỷ USD và là dự án lớn nhất về công nghiệp từ trước đến nay đầu tư vào Bình Dương.
Điểm lại những dự án đầu tư vào các khu, CCN phía bắc của tỉnh có thể nhận ra sự vươn lên mạnh mẽ của KCN Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng). Dù mới ra đời nhưng với lợi thế hạ tầng tốt, vị trí địa lý thuận lợi, phù hợp với chủ trương của tỉnh và nhu cầu của nhà đầu tư trong giai đoạn phát triển mới, KCN Bàu Bàng đã nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2015, KCN Bàu Bàng tiếp nhận dự án công nghiệp phụ trợ rộng 400 ha, có vốn đầu tư lên đến 274 triệu USD của Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (sẽ nâng lên 1 tỷ USD vốn đầu tư sau khi hoàn thành các giai đoạn). Ngoài ra, Tập đoàn DDK (Đài Loan, Trung Quốc) cũng đã đạt được thỏa thuận với Becamex IDC thuê lại 80 ha đất tại KCN này để thành lập một liên doanh đầu tư dự án tại Việt Nam. Dự án này sẽ có vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút khoảng 60 doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực đến đầu tư.
Nếu điểm lại những khu, CCN tập trung tại các huyện, thị phía bắc của tỉnh cách nay hơn 10 năm, dễ nhận ra khi ấy đây chỉ là những vùng đất rộng lớn với hàng ngàn ha đất nông nghiệp kém màu mỡ. Ấy vậy mà giờ đây, những khu, CCN này đã mau chóng xuất hiện các dự án lớn cùng hàng ngàn nhà máy, nhà xưởng sản xuất quy mô. Có được điều này, ngoài sự nỗ lực lớn của tỉnh, còn là sự đầu tư hiệu quả của các chủ đầu tư phát triển KCN. Chính vì thế, các KCN sau khi ra đời đều đã chứng tỏ được năng lực, vai trò của mình dưới con mắt của nhà đầu tư đến Bình Dương làm ăn. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương kỳ vọng vào sự vươn lên mạnh mẽ của ngành công nghiệp ở các địa phương phía bắc của tỉnh trong thời gian tới.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc hình thành các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh nói chung và các KCN ở phía bắc của tỉnh nói riêng đã giúp Bình Dương thu hút mạnh đầu tư, phát triển công nghiệp theo kế hoạch, quy hoạch và bảo đảm được sự hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư từ xã hội để làm nền tảng phát triển công nghiệp; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển giao thông nối kết vùng; nâng tầm dịch vụ để phục vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư...
Kỳ 3: Phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, khu công nghiệp
Phát huy truyền thống “Đi trước mở đường” của ngành giao thông - vận tải trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, cùng với đó là sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, tỉnh Bình Dương đã đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông chiến lược mở đường để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn huy động các thành phần kinh tế - xã hội chung tay xây dựng hệ thống giao thông liên hoàn, đồng bộ, hình thành “bộ khung” hạ tầng giao thông vững chắc, liên hoàn và hiện đại.
Giao thông đi trước mở đường
Đi đầu và góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là công trình nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13. Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng công trình này có ý nghĩa như đòn bẩy để nâng cao vị thế kinh tế của tỉnh từ sản xuất nông - lâm nghiệp giá trị thấp lên vị trí dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư. Sau hơn 10 năm làm nhiệm vụ phát triển giao thông - vận tải, mở đường đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến nay đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13) đã trở thành điểm nhấn nổi bật về kiến trúc đô thị và phát triển công nghiệp - dịch vụ của tỉnh.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc hình thành các KCN tập trung đã giúp Bình Dương thu hút mạnh vốn đầu tư, phát triển công nghiệp theo kế hoạch, quy hoạch và bảo đảm được sự hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường. Các KCN tạo quỹ “đất sạch” để thu hút, bố trí dự án đầu tư hiệu quả tạo nên tính đột phá đưa Bình Dương phát triển công nghiệp nhanh; các chỉ tiêu khác như giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút vốn FDI luôn tăng cao… Tới đây, Bình Dương sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư để làm nền tảng phát triển công nghiệp; cùng với đó xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển giao thông nối kết vùng; đồng thời nâng tầm dịch vụ để phục vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư... Đây chính là cơ sở quan trọng cho việc phát triển KCN về phía bắc của tỉnh trong giai đoạn mới. |
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò “Đi trước mở đường”, hội nhập kinh tế quốc tế, Bình Dương đã huy động các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống giao thông tạo lực quan trọng như đường Mỹ Phước - Tân Vạn, nâng cấp mở rộng đường ĐT743, ba tuyến đường của TX.Tân Uyên, đường 7A ở TX.Bến Cát, cầu Ông Cộ, đường ĐT744… Các tuyến đường này vừa làm nhiệm vụ phát triển giao thông - vận tải phục vụ phát triển công nghiệp, vừa kết nối các đô thị vệ tinh xung quanh Thành phố mới Bình Dương; đồng thời kích thích chuyển dịch nhanh cơ cấu cấu kinh tế các đô thị phía nam của tỉnh từ công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn sang công nghiệp - dịch vụ - đô thị, góp phần đưa Bình Dương sớm trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng công trình đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài từ phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát đến huyện Bàu Bàng vừa qua, ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng cho biết, đây là công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng giữ vai trò tạo lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và là đòn bẩy đẩy nhanh quá trình phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị, thu hút đầu tư chất lượng cao của địa phương nói riêng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bàu Bàng rất vui mừng, phấn khởi vì công trình này được đầu tư và rất mong công trình hoàn thành đúng kế hoạch. Ông Chí cho biết thêm, khi công trình này chuẩn bị khởi công, đồng thời để đón đầu cơ hội sản xuất, kinh doanh mới khi Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, nhiều tập đoàn uy tín, doanh nghiệp công nghệ cao của nước ngoài đã đến đầu tư, triển khai dự án tại huyện Bàu Bàng. Hiện nay, Khu công nghiệp Bàu Bàng đã lấp đầy diện tích, địa phương cùng các ngành hữu quan đang xin chủ trương mở rộng khu công nghiệp này để tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng chất lượng cao, hiện đại.
Song song với nhiệm vụ phát triển trục giao thông công nghiệp - đô thị hiện đại Mỹ Phước - Tân Vạn theo hướng bắc - nam, UBND tỉnh cũng đang tập trung đầu tư và hoàn thiện trục giao thông “xương sống” của huyện Bắc Tân Uyên (đường Tân Thành - Mười Muộn) để vừa giải quyết yêu cầu giao thông - vận tải, phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của địa phương vừa góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc rút ngắn cự ly vận tải từ các tỉnh lân cận đi qua Bình Dương ra cảng biển, sân bay về đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại.
Bằng chiến lược phát triển hạ tầng giao thông liên hoàn, vững chắc và hiện đại tạo thuận lợi trong giao thông, vận tải hàng hóa, đến nay Bình Dương không chỉ là trung tâm công nghiệp, thu hút đầu tư mà còn là trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phát triển hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ
Tính đến nay, Bình Dương đã phát triển được 29 khu công nghiệp (KCN). Trong giai đoạn mới, Bình Dương tiếp tục phát huy kinh nghiệm quý giá của mình để phát triển hạ tầng KCN nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh nhà. Điều quan trọng là, khi thu hồi đất để xây dựng các KCN, Bình Dương đã tạo được sự đồng thuận cao giữa chính quyền, người dân và nhà đầu tư trong công tác giải tỏa đền bù lấy đất làm KCN.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) cho biết, quan điểm nhất quán của tỉnh Bình Dương là “Xây dựng KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Doanh nghiệp đầu tư KCN luôn xác định rõ, người dân vùng giải tỏa phải có cuộc sống khá hơn trước; nếu bằng hoặc kém hơn thì quy hoạch và phát triển KCN chẳng có ý nghĩa gì”. Chính nhờ thế mà Bình Dương đã tạo được hàng ngàn ha “đất sạch” để phát triển hạ tầng KCN, tạo nên những KCN tốt, hiệu quả trong con mắt nhà đầu tư khi đến làm ăn tại tỉnh.
Cũng cần nói thêm, trong quá trình phát triển KCN, Bình Dương không dùng ngân sách để xây dựng, tất cả vốn đầu tư KCN là từ nguồn xã hội hóa. Đến nay, tại tỉnh có 19 doanh nghiệp thuộc 5 thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN. Các doanh nghiệp này đã thu hút hiệu quả nguồn vốn trong và ngoài nước để xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng KCN, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ.
Với những định hướng đúng đắn của tỉnh, cùng sự đồng thuận cao của nhân dân, tin tưởng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu đô thị, khu dân cư mọc lên tại các địa phương phía bắc của tỉnh, góp phần vẽ nên bức tranh phát triển đầy sinh động của Bình Dương trong tương lai.
Kỳ 4: Bảo đảm an toàn về môi trường
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách mở cửa và thu hút đầu tư đã giúp cho kinh tế của Bình Dương phát triển nhanh. Tuy vậy, hệ quả của quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, công nghiệp hóa đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ và nhanh hơn năng lực của hệ thống quản lý ở tỉnh. Đây là nguyên nhân gây nhiều bất cập về môi trường, tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn cho mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó cho thấy, việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương đến năm 2020 là bước đi đúng đắn, phù hợp trong việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong quản lý môi trường và KCN.
“Xanh hóa” công nghiệp
Để chuẩn bị cho công tác mở rộng các KCN ở phía bắc của tỉnh, Bình Dương đã nghiêm túc tiến hành theo đúng lộ trình, bảo đảm đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, giao thông thông suốt. Những năm qua, Bình Dương đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, nối liền các huyện, thị, thành phố trong tỉnh với quốc lộ 1A, quốc lộ 13 kết nối với Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn đón đầu sân bay quốc tế Long Thành chính là bước chuẩn bị chu đáo trong việc mời chào các nhà đầu tư về các KCN phía bắc của tỉnh.
Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủycho biết, để phát triển kinh tế, Bình Dương đã lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN tập trung gắn với công nghiệp hóa và đô thị hóa làm đòn bẩy phát triển. Chính sự ra đời của các KCN đã đưa công nghiệp tỉnh nhà phát triển, tạo điều kiện kích thích các ngành thương mại, dịch vụ và đô thị phát triển theo. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư vào KCN thời gian qua phù hợp với quy hoạch, định hướng thu hút ngành nghề đầu tư của tỉnh và đều nhanh chóng triển khai dự án sau khi được cấp phép. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tiếp tục phát triển thuận lợi với doanh thu đạt được năm sau luôn cao hơn năm trước, qua đó góp phần tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh nhà. Cùng với đó, đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở cho người lao động luôn được tỉnh quan tâm, chăm lo; công tác bảo vệ môi trường của các KCN cũng luôn được tỉnh chú trọng và thực hiện tốt... |
Theo các chuyên gia, trước đây công nghiệp của tỉnh Bình Dương có xu hướng phân hóa rõ nét, tập trung phát triển mạnh ở 2 thị xã Dĩ An, Thuận An và TP.Thủ Dầu Một. 3 địa phương này chiếm tới 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, giá trị công nghiệp của một số địa phương phía bắc tỉnh như Bến Cát… đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần đưa tỷ lệ công nghiệp ở các địa phương này chiếm 24% tổng giá trị toàn ngành của tỉnh trong năm 2014.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Bình Dương chú trọng phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, đô thị, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, tài nguyên, bảo đảm môi trường bền vững. Chủ trương này đã được nhiều doanh nghiệp (DN) đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, việc quy hoạch riêng cho các ngành công nghiệp phụ trợ tại huyện Bàu Bàng, ngành chế biến gỗ tại Cụm công nghiệp Tân Lập… đã tạo điều kiện cho DN an tâm, tin tưởng đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Lương Ngọc Kim, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho rằng, việc tập trung những ngành sản xuất dễ gây tổn hại đến môi trường như ngành gỗ vào một KCN là chủ trương hết sức đúng đắn. KCN tập trung này sẽ giúp các DN hoạt động bài bản và chuyên nghiệp hơn. Hơn nữa, qua đó yếu tố môi trường cũng được kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh thu hút các nhà đầu tư, có thể thấy việc chuyển dịch sản xuất công nghiệp về các địa phương phía bắc cũng giúp cho các đô thị phía nam của tỉnh thuận lợi quy hoạch, phát triển đô thị theo đúng tiêu chuẩn mà Trung ương đã đề ra trước năm 2020. Cùng với đó, vấn đề cân đối quản lý môi trường cũng sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn, giúp Bình Dương dễ dàng đạt được mục tiêu phát triển tỉnh nhà thành thành phố xanh, thành phố đáng sống. Theo dự kiến, đến năm 2025, Bình Dương sẽ hình thành 3 trung tâm đô thị: Đô thị trung tâm gồm TP.Thủ Dầu Một, Nam Tân Uyên, Nam Bến Cát theo mô hình “đa chức năng, đa trung tâm” với mật độ dân cư trung bình; đô thị phía nam gồm Thuận An và Dĩ An theo mô hình “đô thị nén” mật độ dân cư cao; đô thị phía bắc gồm Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Bến Cát, Bắc Tân Uyên… với mật độ dân cư thấp.
Bảo đảm cho sự phát triển bền vững
Theo Sở Xây dựng, đến nay tỉnh nhà đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tập trung đầu tư vào các KCN ở phía bắc của tỉnh một mặt nhằm tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư mới, di dời các DN sản xuất phân tán, DN sản xuất trong các khu dân cư, khu đô thị phía nam của tỉnh để kiểm soát ô nhiễm môi trường; mặt khác sẽ từng bước di dời các KCN ở phía nam lên phía bắc của tỉnh để tạo quỹ đất phát triển đô thị tại khu vực phía nam của tỉnh. Bên cạnh đó, việc tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển khu trung tâm đô thị mới của tỉnh trước mắt nhằm kéo giãn dân số, giảm sức ép về hạ tầng xã hội cho các đô thị phía nam. Còn về lâu dài, sẽ tạo ra không gian đô thị trung tâm của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại và là điểm nhấn phát triển đô thị - dịch vụ của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục tăng cường công tác xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường, nhất là xử lý nghiêm và triệt để đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đồng thời tập trung di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị. Địa phương cũng sẽ đầu tư và xử lý dứt điểm một số điểm nóng về môi trường, không để phát sinh các điểm nóng mới; cùng với đó đẩy nhanh tiến độ các dự án thu gom và xử lý nước thải đô thị thuộc dự án cải thiện vệ sinh môi trường nước Nam Bình Dương…
Hiện nay, Bình Dương đang ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, nông nghiệp theo hướng thu hút những dự án có đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; ưu tiên bố trí các dự án sản xuất công nghiệp trong khu, cụm công nghiệp phía bắc của tỉnh; đồng thời không xem xét các cơ sở thuê nhà xưởng để đầu tư thực hiện các dự án sản xuất trên địa bàn phía nam của tỉnh. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, trong giai đoạn tới Bình Dương sẽ nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên đất, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cùng với đó sẽ ban hành nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi và hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường; áp dụng khoa học - công nghệ mới trong xử lý và tái chế chất thải. Tỉnh nhà nỗ lực đến năm 2020 hoàn thành tốt các chỉ tiêu về môi trường, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững…
Kỳ cuối: Bình Dương thực hiện tốt điều chỉnh quy hoạch
Thực hiện Điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương đến năm 2020, đồng thời tạo điều kiện để tỉnh nhà tiếp tục tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển các KCN trong thời gian tới, Bình Dương đã đưa nhiều nhóm giải pháp quan trọng về quy hoạch và triển khai quy hoạch, đầu tư hạ tầng KCN, các cơ chế chính sách, bảo vệ môi trường... nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu cơ bản là trở thành tỉnh công nghiệp, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
Chú trọng đầu tư hạ tầng KCN
Để triển khai thực hiện Điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN của tỉnh đến năm 2020 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương sẽ thực hiện quy hoạch các KCN phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với quy hoạch ngành và quy hoạch vùng. Cùng với đó, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư; thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) kinh doanh hạ tầng lớn, có tiềm lực về vốn, công nghệ đầu tư vào cơ sở hạ tầng các KCN, nhất là KCN ở phía bắc của tỉnh để phát triển KCN theo hướng nhanh và bền vững. Tỉnh nhà cũng chú trọng bố trí các ngành công nghiệp, nhóm sản phẩm chủ yếu, phù hợp với tình hình thực tế địa phương gắn với công tác bảo vệ môi trường; cùng với đó thu hút đầu tư những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, phát triển công nghiệp sạch để tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Bình Dương cũng sẽ chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nghiên cứu, xây dựng mô hình KCN theo hướng chuyển từ KCN đa ngành, đa lĩnh vực nhằm khai thác lợi thế về tài nguyên, lao động sang KCN chuyên ngành, chuyên môn hóa cao; thực hiện thí điểm cho phép xây dựng nhà ở công nhân, nhà nghỉ chuyên gia ở các khu dịch vụ trong KCN nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các KCN khi những khu đô thị chưa được hình thành.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bình Dương sẽ quy hoạch xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN; đồng thời chú trọng thi công đồng bộ các công trình giao thông liên vùng nhằm bảo đảm sự liên thông giữa TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…, kết hợp quy hoạch định hướng phát triển khu dân cư mới, khu đô thị vệ tinh, hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống người lao động và cư dân trong khu vực như: nhà ở, trường học, bệnh viện, khu giải trí… Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào KCN theo một đầu mối tổ chức thống nhất, có sự tham gia của các ban, ngành; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm riêng cho từng đối tượng cần thu hút vốn...
Phát triển nhiều loại hình dịch vụ
Trong thời gian tới, Bình Dương cũng sẽ chú trọng đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu cần thiết cho người lao động làm việc trong KCN và dân cư xung quanh, nhất là những hộ dân bị giải tỏa, các công trình hạ tầng văn hóa - xã hội như trung tâm thể dục - thể thao, nhà văn hóa, trường học, bệnh viện... Bên cạnh đó, tỉnh nhà tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và phát triển hệ thống trường nghề liên kết chặt chẽ với các KCN, gắn trường học với DN; phát triển hệ thống trường đại học, cao đẳng nhằm cung cấp nguồn lao động có trình độ cho các KCN; cùng với đó thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của DN trên địa bàn tỉnh...
Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ tạo dựng mối quan hệ liên kết chặt chẽ giữa DN trong các KCN với trường đại học, trường dạy nghề trên địa bàn và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đào tạo nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu của DN về các ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Hàng năm, địa phương sẽ có đề xuất, định hướng cho các cơ sở đào tạo theo nhu cầu của DN gắn với cơ chế ưu đãi kèm theo và chế độ tuyển dụng sau khi tốt nghiệp và ưu tiên lao động trong diện bị thu hồi đất quy hoạch KCN. Tỉnh cũng tiếp tục tạo mối liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, DN và nhà trường để tổ chức mở lớp đào tạo trong trường hoặc ngay tại DN; cùng với đó tạo điều kiện thành lập trung tâm đào tạo nghề ngay tại các khu công nghệ cao, KCN cho DN có khả năng đào tạo lại hoặc đào tạo mới nguồn lao động tại chỗ.
Đối với công tác bảo vệ môi trường, đây là một vấn đề lớn luôn được Bình Dương ưu tiên hàng đầu trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Thực hiện Điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020, Bình Dương đề ra giải pháp về công tác bảo vệ và giám sát môi trường trong các KCN từ giai đoạn quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, triển khai dự án đến giai đoạn hoàn chỉnh xây dựng trong các KCN... Theo đó, những dự án xây dựng mới, mở rộng KCN và kinh doanh hạ tầng KCN phải có báo cáo tác động môi trường được cấp thẩm quyền phê duyệt; quy định trách nhiệm phối hợp giữa các bên trong công tác lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phối hợp kiểm tra giám sát và xử lý các vấn đề môi trường trong KCN…
Với những biện pháp đã đưa ra sẽ là điều kiện thuận lợi để Bình Dương thực hiện tốt Điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN của tỉnh đến năm 2020; đồng thời cũng là điều kiện để Bình Dương tiếp tục tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển các KCN trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; nâng dần hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm công nghiệp, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục thực hiện chuyển đổi công năng những khu, cụm công nghiệp, DN sản xuất nằm rải rác trong khu dân cư tại các đô thị phía nam của tỉnh; cùng với đó hạn chế việc thu hút đầu tư những DN sản xuất bên ngoài KCN. Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đồng thời triển khai những hoạt động cần thiết để thu hút đầu tư sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Địa phương cũng sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai; gắn công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, người dân và DN với thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường; duy trì và phát huy các mối quan hệ ngoại giao kinh tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh tại tỉnh nhà...
Theo Báo Bình Dương Online.
Các tin liên quan
- Chỉ thị tăng cường kiểm tra, xử lý việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy
- Diện tích đất tăng thêm được Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình,
- Quy định sử dụng đất, xin gia hạn sử dụng đất đối với doanh nghiệp có vốn đầu
- Những ưu thế nổi bật của dự án Golden Center City 2 của Kim Oanh Group
- Giải mã sức hút của dự án Golden Center City của Kim Oanh Group
- Được và Mất khi đầu tư phòng trọ cho thuê tại Bình Dương
Liên kết Website
Bất Động Sản Cá Nhân | Nhà Đất Bình Dương | Nhà Đất Thủ Dầu Một | Đo Đạc Bình Dương | Kiểm Tra Quy Hoạch | Pháp Lý Hành Chính | Thành Lập Doanh Nghiệp